Trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu gần 2 triệu tấn sắt thép các loại từ Trung Quốc, tương đương trị giá 1,22 triệu USD, tăng 7,3% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu sắt thép về Việt Nam 4 tháng đầu năm 2019 đạt 4,67 triệu tấn, tương đương 3,13 tỷ USD, tăng 9% về lượng và tăng 3,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Riêng tháng 4/2019, nhập khẩu sắt thép giảm trên 3% cả về lượng và kim ngạch so với tháng trước đó, nhưng tăng 11,6% về lượng và tăng 2,9% về kim ngạch so với tháng 4/2018.
Về mức giá, giá sắt thép nhập khẩu nhập trong tháng 4/2019 đạt 668,6 USD/tấn, giảm 7,8% so với tháng 4/2018. Tính trung bình 4 tháng, giá sắt thép nhập khẩu đạt 670,3 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường hàng đầu cung cấp sắt thép các loại cho Việt Nam.
Cụ thể, nhập khẩu sắt thép từ thị trường này chiếm gần 42% về lượng và chiếm gần 40% về kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, đạt 1,95 triệu tấn, tương đương 1,22 triệu USD.
Như vậy, lượng nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng 7,3% về lượng, nhưng giảm 7,4% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Thị trường cung cấp sắt thép lớn thứ hai cho Việt Nam là Hàn Quốc với 545.745 tấn, tương đương 451,78 triệu USD, chiếm 11,7% trong tổng lượng và chiếm 14,4% trong tổng kim ngạch.
So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc đã giảm 8,2% về lượng và giảm 4,6% về kim ngạch.
Nhật Bản là thị trường lớn thứ ba, chiếm trên 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 614.594 tấn, tương đương 424,94 triệu USD, giảm 13% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu sắt thép nhiều từ Đài Loan, Bỉ, Indonesia, Pháp, Malaysia.
Theo đó, nhập khẩu sắt thép từ Đài Loan trong 4 tháng đã tăng 11,4% về lượng và tăng 2,2% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 514.707 tấn, tương đương 305,61 triệu USD, chiếm 11% trong tổng lượng và chiếm 9,8% trong tổng kim ngạch.
Trong khi đó, nhập khẩu từ thị trường Bỉ cũng tăng đột biến, gấp 4,2 lần về lượng và tăng gấp 14,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu sắt thép sụt giảm mạnh từ Saudi Arabia (giảm 99,7% về lượng và giảm 97,9% về kim ngạch so với cùng kỳ); Hồng Kông (giảm 95,8% về lượng và giảm 83,9% về kim ngạch) và Đan Mạch (giảm 99,4% về lượng và giảm 79,2% về kim ngạch).
- Xem thêm : Bảng báo giá sắt thép xây dựng trong ngày